Chiều ngày 21/12/2020, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, TP. Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức “Diễn đàn năng suất, chất lượng ngành Công Thương năm 2020” và tổ chức “Lễ Trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương cho Tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc” trong việc thực hiện Chương trình Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp”
Nhằm tôn vinh, ghi nhận đóng góp của các tập thể, cá nhân trong quá trình triển khai dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” (gọi tắt là Dự án) do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện, trong khuôn khổ các hoạt động tổng kết Dự án giai đoạn 2012 – 2020, Bộ Công Thương đã tiến hành khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Dự án bằng hình thức xét và trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương theo các quy định tại Quy chế khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Dự án ban hành kèm theo quyết định số 3084/QĐ-BCT ngày 26/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Việc xét khen thưởng được thực hiện thông qua Hội đồng xét khen thưởng do Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập, gồm các thành viên là các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực năng suất chất lượng và các lĩnh vực khác có liên quan. Hội đồng xét thưởng làm việc theo chế độ tập thể. Các thành viên Hội đồng tiến hành đánh giá hồ sơ đề nghị khen thưởng theo quy định; lập Biên bản đánh giá; tiến hành bỏ Phiếu đánh giá và lập Biên bản kiểm phiếu. Quyết định của Hội đồng có giá trị khi có ít nhất hai phần ba số thành viên Hội đồng đồng ý.
TUV NORD Việt Nam được vinh dự đón nhận 2 bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương, ghi nhận sự đóng góp của tập thể TUV NORD Việt Nam và cá nhân Tổng Giám đốc TUV NORD Việt Nam - ông Lê Sỹ Trung cho việc thực hiện các Dự án nâng cao năng suất chất lượng.
Trong suốt thời gian triển khai Dự án từ năm 2012 đến 2020, TUV NORD Việt Nam đã có nhiều đóng góp, thực hiện nhiều nội dung trong dự án như:
- Xây dựng, áp dụng và chứng nhận Hệ thống quản lý cho mô hình thí điểm theo tiêu chuẩn ISO/TS 16949 và 5 công cụ chính cho ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô, xe máy (năm 2013 – 2014)
- Xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 cho doanh nghiệp công nghiệp chủ lực lựa chọn (năm 2014)
- Xây dựng, áp dụng và chứng nhận Hệ thống quản lý cho 01 mô hình thí điểm theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/TS 16949 và 5 công cụ chính cho ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô, xe máy (năm 2015)
- Đào tạo, xây dựng mô hình điểm áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2011 cho doanh nghiệp ngành nhựa và giấy (năm 2016)
- Tổ chức khóa đào tạo về tiêu chuẩn ISO/TS 16949 và 05 công cụ áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô, xe máy (năm 2016)
- Thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ thí điểm áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp nhựa và cơ khí (Khu vực phía Nam và phía Bắc)” năm 2017 và 2018 của Bộ Công Thương giao cho Công ty TNHH Năng lượng Toàn Cầu và Công ty TNHH TUV NORD Việt Nam phối hợp thực hiện.
- Phát triển và áp dụng thí điểm phần mềm lập kế hoạch và quản lý sản xuất PPM tại doanh nghiệp cơ khí phục vụ công nghiệp hỗ trợ (năm 2020)
- Nghiên cứu, xây dựng và áp dụng thí điểm hệ thống đo lường và phân tích dữ liệu tiêu thụ điện PMSA tại doanh nghiệp ngành công thương (năm 2020)
Khi thực hiện các nhiệm vụ, TUV NORD Việt Nam luôn lấy trọng tâm của dự án là các doanh nghiệp với các mô hình điểm để tạo ra sức lan tỏa nâng cao năng suất chất lượng. Trong 8 năm triển khai, nhiệm vụ của TUV NORD Việt Nam đã tác động tích cực đến hơn 30 doanh nghiệp phối hợp thực hiện. Các doanh nghiệp đã có cơ hội tiếp cận các công cụ quản lý quốc tế, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, nâng cao năng lực tự thực hiện, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. TUV NORD Việt Nam đã hỗ trợ cho gần 500 nhân sự tại các doanh nghiệp tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu, các hội thảo, tập huấn thực hành các Phương pháp phân tích, cải tiến, nâng cao tính chủ động trong công việc, nâng cao năng suất lao động, chất lượng công việc.
Ông Phan Đăng Danh – phó Giám đốc Công ty CP Cơ khí Phổ Yên – FOMECO – doanh nghiệp đồng hành cùng TUV NORD Việt Nam thực hiện một số nhiệm vụ của dự án, đã phát biểu tại buổi lễ trao bằng khen: “Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của Bộ Công thương, cùng với sự hỗ trợ của TUV NORD Việt Nam, Ban lãnh đạo công ty đã thực hiện dự án nhằm mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động quản lý, kinh doanh. Nhờ tiêu chuẩn hóa các quá trình sản xuất, tỷ lệ phế phẩm giảm, chất lượng hàng hóa được ổn định hơn, kiểm soát được các đặc tính đặc biệt, quan trọng từ khâu thiết kế, sản xuất, bao gói, giao hàng, từ đó tăng cường uy tín của công ty, bằng cách chứng minh sự tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế cho khách hàng. Phương châm của FOMECO là: năng suất để cạnh tranh, chất lượng để tồn tại. Từ năm 2014, công ty đã áp dụng mô hình quản lý theo tiêu chuẩn ISO/TS 16949 do TUV NORD Việt Nam hỗ trợ thực hiện từ nguồn vốn của dự án. Dự án rất thiết thực cho một công ty đang sản xuất các thiết bị cho ngành ô tô, xe máy. Năm 2017, Công ty áp dụng Mô hình Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001, do TUV NORD Việt Nam hỗ trợ thực hiện từ nguồn vốn của dự án. Công ty là đơn vị tiêu thụ điện trọng điểm nên xác định áp dụng mô hình này nhằm đảm bảo tiêu thụ điện hiệu quả, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên hữu hạn, giảm thiểu tác động đến môi trường. Sau khi áp dụng các mô hình quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế do TUV NORD Việt Nam hỗ trợ triển khai, giá trị tổng sản lượng từ năm 2014 đến năm 2020 đã tăng gấp đôi; thu nhập cho người lao động bình quân tăng đều các năm, việc làm được đảm bảo, tăng trưởng thu nhập cho người lao động, cải thiện điều kiện làm việc, cảnh quan môi trường giúp người lao động yên tâm bám trụ công việc”.
Ngoài dự án của Bộ Công thương, TUV NORD Việt Nam cũng tham gia một số dự án của Chương trình Nâng cao năng suất chất lượng quốc gia, đóng góp cho việc thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành sản xuất công nghiệp, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam.